Chuyển đến nội dung chính

Đêm đông cô đơn.

Chiều thứ năm, gần cuối tháng 12, thời tiết có gió lạnh nhưng không quá buốt, mặc dù vậy cũng đủ để lại chút giá băng trong con tim này. Một chút mưa bay lất phất giữa bầu trời xám xịt, như chung một màu ảm đạm trong suy nghĩ người đương ngắm nhìn.

Và một ngày thì như mọi ngày, sau khi làm vài thứ linh tinh thì choàng cái áo và xách xe ra. Đạp qua các dãy đường quen thuộc, đi ngang qua quán Cà phê Aroma gần đó, may là người ta còn mở cửa vì đêm hôm nay đã là Giáng Sinh, lấy vội ly cà phê nóng 2 kem 1 sữa, tôi lại đạp tiếp đến nơi chốn quen thuộc mỗi chiều về, khu khuôn viên rộng gần trạm tàu York University. Trước đêm Giáng Sinh, không có nhiều người qua lại chỗ tôi hay ngồi như trước, cảnh trước mắt chẳng một sinh vật nào ngoài cỏ cây. Những cơn mưa phùn lúc đầu buổi chiều giờ thay bằng những bông hoa tuyết bám hết vào áo và mặt. Nhấp một ngụm cà phê, tôi bật vội list nhạc từ Spotify đã chuẩn bị sẵn cho cái cảnh tình chẳng mấy vui này.

Khuôn viên trung tâm York University tôi hay đến cà phê mỗi chiều

Đêm đông lao xao, đêm đông nhớ ai?

Đêm đông cô đơn vắng ai?


Ôi! Cái ca từ vang lên từ "Đêm Lao Xao" của Tường Văn làm cho người nghe là tôi, vốn đang ráng vui cũng phải thả mình buồn một chút. Đúng là đêm đông vắng lặng, nhưng tôi có ai để nhớ chăng. Có lẽ là tôi nhớ nhà chăng? Vì trong cái ngày lễ mà gia đình người ta thường hay sum vầy với nhau, một kẻ tha phương như tôi lẽ thường sẽ phải có những cảm giác cô đơn không người thân. Nhưng nghĩ lại thì có nhà đâu để mà nhớ? Nhìn cây nhìn trời, lắng mình trong tiếng nhạc và mùi cà phê, tôi tự thả mình lắng nghe chút âm thầm từ thâm tâm. Ah thì ra là tôi nhớ...tôi! Chính là tôi những ngày xưa ấy. 


Trong những đêm Giáng Sinh năm ngoái, năm trước và cả nhiều năm trước đó nữa, tôi...cũng vẫn một mình mà thôi, tất nhiên không đến nỗi lủi thùi một mình như bây giờ, vẫn có nhà để về ăn cơm má nấu, có bạn để rũ cà phê mỗi đêm. Nhưng mà cảm giác một mình, trống rỗng thì vẫn vậy dù thời gian trôi. Nghĩ đến đấy, tự dưng lại chẳng thấy có gì phải chán nãn, hiu quạnh.


Bạn tôi hay chê tôi có cái bệnh rên rĩ, nhưng tôi rên rĩ nào để có được sự thương cảm, ấy là tôi đang thực hành theo cái triết lý sống của bác Trịnh, là "Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa." Cô đơn, hay thiếu ăn, mỗi thứ đau khổ ở đời ấy tôi đều muốn đi đến tận cùng để thấy nó cũng bình thường, và rồi thì nếu may mắn thì có thể cảm nhận được cái hay ho của mọi sự khổ đau đó. Ấy là vì sao trong đêm đông hôm nay, cảnh đã chẳng mấy vui, lại còn bật mấy cái bài ca nhạc tru tréo quằn quại với giai điệu não nề. Cách tốt nhất để trải qua nghịch cảnh hay khổ đau, chỉ có thể là đối diện với nó và... làm bạn với nó. Tôi đã từng xa lánh cái sự cà phê một mình, để rồi tự hiểu ra, cà phê một mình cũng hay và có chút này nọ.

Tôi những ngày xưa ấy cũng thích mấy trò chụp ảnh tự kỷ so deep như vậy, và giờ thì ứng nghiệm cmnr.

Mặc dù chẳng chú ý nhiều đến mấy cái ngày lễ Tây phương, năm mới của tôi là Tết, chứ chẳng phải New Year hay Christmas như người ta, thế nhưng dẫu cho là như vậy, trong ngày này nếu có nhận được cuộc gọi từ người thân hay tin nhắn của bạn bè chúc vui vẻ ngày lễ, tôi tự dưng vẫn có chút ấm áp nhẹ trong lòng. Thế nên, bạn ơi! Đôi lúc nếu được, hãy chủ động gửi lời yêu thương trong những dịp quan trọng hay ngày lễ gia đình cho những người thân xung quanh, có thể chỉ là những câu từ xã giao lịch thiệp, nhưng đối với người nhận, đôi khi là những chất xúc tác cần thiết, tiếp sức họ trên hành trình kiếp con người.

 

Và nếu đọc đến đây, nếu bạn có mảy may đặt câu hỏi, một con người ăn ở ra làm sao và sống đức độ như thế nào để phải than đau khổ cô đơn trong mùa lễ, thì tôi xin được mạnh dạn trả lời đó là kèo hẹn ăn Giáng Sinh của tôi diễn ra vào tối mai chứ chẳng phải hôm nay, trong khi đang đóng vai thất nghiệp trong bộ phim "Cuộc đời" thì ăn chơi nên hạn chế, học cách từ chối khi cảm thấy cuộc gặp không cần thiết. Đang trong phân cảnh du học sinh nghèo khổ, mỗi tuần một kèo thì ổn áp, chứ một tuần nhiều kèo có khi thành ra đau khổ thật.


Qua đây cũng xin nhắn nhủ rằng, nếu đang cảm giác cô đơn thì đừng vội buồn bạn nhé, vì biết đâu ngày mai sẽ có người rũ đi chơi hoặc ngày mốt sẽ có kèo hẹn cà phê thì sao! Và nếu hết tuần, hết tháng vẫn chẳng có ma nào đoái hoài đến bạn, thì cũng chớ quá vội buồn tuổi; Vì rằng đó là dịp để bạn...và tôi luyện khả năng tự kỷ của chính mình, để khi một ngày nào đó trong quán cà phê, bạn có thể mạnh mẽ, tận hưởng việc ngồi đọc sách một mình chẳng cần rũ rê chờ đợi ai, và nếu có chút duyên, nhìn qua bên cạnh có thể bạn sẽ thấy tôi, cũng đang ngồi thơ thẩn một mình gần đó chăng :) Nhớ là nếu ở Tô thành thì hãy ghé cà phê Daklak nhoé.


24/12/2020 NDGBAO





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MUỐN LÀM VIỆC VÀ HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN TẠI CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ Ở ĐÀ NẴNG MÀ TÌM HOÀI KHÔNG THẤY??

Hưởng ứng bài chia sẻ khá chi tiết của anh Hậu về các tổ chức phi chính phủ tại group DanangYouthHub (Các bạn có thể tìm đọc lại tại link sau: http://bit.ly/2AQmmyZ), trong blog này mình xin gửi một ít thông tin về các tổ chức phi chính phủ các bạn có thể tham gia tại Đà Nẵng. Thời còn làm tnv tại PNV, thấm thoát cái cũng gắn bó hơn 2 năm. Thú thật phần lớn các công việc, vị trí cần tuyển dụng được các NGO đưa lên mạng, khi đọc được chưa kịp hứng thú với các mô tả hấp dẫn về vị trí tuyển dụng, ngay lập tức đã phải hết hồn vì nhìn xuống location thì…. toàn vùng xa hoặc ở các thành phố khác (tập trung ở Hà Nội và Sài Gòn là nhiều). Thực sự vừa mới ra trường mà muốn xin việc vào các khu vực này lại một vấn đề nan giải nữa – KINH NGHIỆM :3 , không phải kinh nghiệm 1 năm mà là 2 – 3 năm. Thôi thì ngưng than thở và nhanh chóng tự vun vén, vớt vát chút kinh nghiệm công việc ngay từ khi còn trên giảng đường, hoặc chộp ngay thời cơ làm tình nguyện viên cho các tổ chức phi chính phủ luôn kh

Ba năm sau ra trường - Tâm sự Zalo (P Cuối)

Mùa hè ở Toronto vào tháng 6 thời tiết khá kỳ quái, hôm se lạnh như đầu thu, lúc thì mưa xối xả như mới vào xuân, cái tiết trời khó chịu này nếu không làm cho con người ta dễ đổ bệnh thì cũng phải đến nỗi suy tư trầm cảm.  Thế là như một thói quen, với phương thức chữa lành tâm hồn đã thuộc lòng từ lâu, tôi vội đem cái loa, một ly đá, và lon nước mía ra ngoài ban công nhà. Trong tiếng nhạc rock ballad, làm ly nước mía đóng lon, nhìn xa xăm cây cỏ xanh mướt ngoài xa, đôi tay lần mò đọc lại những đoạn status ở zalo. Nếu như khoảnh khắc vừa trên tôi đây đã xem chừng là bình yên, thì tôi của thời gian vừa ra trường lúc trước nếu nghe thấy chắc chỉ cười khẩy, rồi cho đấy chỉ là hành động tự kỷ. 14/11/2018 Những lời ngại chưa muốn nói cũng đã phải đành nói, chút ngượng ngùng bấy lâu cũng đã tan biến trước sự nhiệt tình siêu dễ thương của anh chị bên tổ chức, vì rằng trước đó đã nghe được lời khuyên cứ gõ, cửa sẻ mở, nên mình đánh liều làm thiệt và sau đó mở lời xin xỏ thì được ngay điều mong

LÃNG QUÊN!

"Những điều không cần nhớ thì chớ phải lưu tâm!". Là chính tôi đã tự dặn lòng sống theo kiểu như vậy cho đời thêm thanh thãn, bớt âu lo. Khí hậu ở Toronto dù được cho là có đủ bốn mùa, xuân hạ thu đông; nhưng đối với tôi, đa phần là những khoản thời gian lạnh lẽo, như cái mùa hè đẹp đẽ năm nay, chưa kịp lên kế hoạch đi picnic ngắm hoa thì đã vội vào cuối hè. Mà đã gần sang thu đâu, tiết trời lại nhanh lùa về những cơn gió lạnh, rãi chút mưa mây cuối chiều làm cho dư vị mùa hè vừa qua chỉ còn là những ký ức mờ nhạt. Còn gì sung sướng hơn khi đương lạc lõng giữa cái nơi đất khách, trong một chiều mưa lạnh cuối hè, chạy ngay vào tiệm Việt, gọi một tô phở nóng hổi. Đi ăn ở cái xứ này, không cần phải thật ngon cho cam, chỉ cần tiện đường, vì hơn bao giờ hết, những kẻ tha phương mới hiểu được câu thời gian là vàng bạc. Nghe quảng cáo trên mạng thấy bảo có tiệm phở mở khuya, lại gần chỗ mình hay cà phơ, thì tôi tức tốc ghé ngay, lại đúng lúc những cơn mưa mới rơi tí tách, thế là nhi