Chuyển đến nội dung chính

Tranh luận! Hay là tôi đúng!

Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co...

Là cái câu thành ngữ cửa miệng tôi hay nghe từ nhỏ mỗi khi ai đó nghe một người nói giọng Quảng đang đôi co với một người khác; Mà thật ra cái sự cãi cọ tay đôi, dù là dành lời hay ý đẹp hay những lời xấu xí giữa một người này và người kia hay trong một nhóm người với nhau, tôi đây cũng đã quá quen, từ lúc ở quê nhà, đến khi lết sang xứ người, nếu nói theo cách chợ búa là cãi vả, còn theo cách hàn lâm thì là tranh luận!

Đối với một người đương cô đơn, thèm đôi ba tiếng cười nói, thì sự xuất hiện của một cuộc tranh luận hấp dẫn trong một không gian sống tĩnh mịch là điều đáng quý thay. Ấy mà cũng phải dè chừng, vì đôi khi nếu không khéo, cái cuộc tranh luận ấy lại thành ra tranh dành quyền đúng-sai, để rồi khi cơm quá lửa thì sau vài đợt lớn giọng, không gian sống lại trở về tịch mịch như cũ, thêm một chút khác xưa đó có thể là sự hậm hực của người trong cuộc, và khó chịu của kẻ đuối lý.

Đành rằng, nếu không có sự tranh luận, hơn thua, thế giới này chẳng thể tiến về phía trước, như bao cuốn sách self-help về cuộc sống đã đề cập, tuy nhiên ở cái tầm vi mô một chút xíu, cá nhân tôi cho rằng chẳng việc gì phải vướn vào các cuộc tranh luận, nếu như bạn thấy là vô ích và đôi khi là có hại, như là tổn hại về mặc cảm xúc, hay tổn hại về một tình bạn, tình yêu.

Trong những lần đôi co với đám bạn ở tiệm cà phê, tranh cãi những câu chuyện trên thế giới lúc ở nhà với mấy đứa sống cùng nhau, tôi đã dần rút ra được một vài đặc điểm, nếu đương lúc bàn luận có thấy, thì nên ngừng lại, đứng lên và đi...ngủ hoặc làm gì đó để khỏi tổn hại Nơron thần kinh:

THAY ĐỔI CHẤT GIỌNG

Đang tranh luận thì có một đứa lên giọng, kiểu lớn tiếng hơn so với âm điệu lúc bắt đầu cuộc nói chuyện. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng nó đang muốn đánh nhanh thắng nhanh bằng cách áp chế chúng ta với giọng nói to hơn. Nếu gặp mấy thành phần đó thì cứ ầm ờ mặc nhiên là chúng nó đúng, để tránh khỏi đổ vỡ tình bạn, mà ghê hơn là đổ máu. Giống như các tờ báo vẫn hay đưa tin, đại loại sau mỗi lần cãi vả trên bàn nhậu thì có đứa nằm yên, có đứa bóc lịch.

Tôi thấy đây là cái dấu hiệu dễ nhận biết mà lại phổ biến, vì có vẻ như là cách dễ làm nhất để áp đặt tư tưởng cho người khác khi thấy bản thân không thuyết phục được đối phương.

THÁI ĐỘ TIÊU CỰC

Đang đàm đạo bình thường, thì đột nhiên có đứa lấy tư tưởng của bạn ra để gán ghép cho một tội lỗi nào đó, và thể hiện sự ghê tởm của nó dành cho bạn, đáng sợ hơn, nếu là đàm đạo trong một nhóm người, chúng nó có thể lôi kéo những kẻ khác dìm bạn xuống sâu dưới đáy xã hội, từ một con người có tư tưởng riêng bạn thành ra một kẻ tội đồ vì tư tưởng của mình lệch lạc hay đúng hơn là lệch chuẩn so với chúng nó. 

Bọn này đa phần chẳng đưa ra được một lập luận rõ ràng, có dẫn chứng cụ thể khách quan từ một hoặc nhiều nguồn thông tin mà cứ dựa vào cảm xúc, và lôi kéo sự đồng cảm từ những đứa xung quanh để phán xét bạn là một người không tốt, và nếu gặp một đứa hay yếu mềm thì cảm thấy thà chịu thua, hùa theo cái lý của tụi đó hơn là bị chúng nó chê bai, dè bỉu gán ghép cho những mặc cảm không đáng. 

Và đám này thì rất thích gán ghép, kiểu như nó sẽ đúc kết rằng: "Thể loại như mày, kiểu người như mày chỉ có thể là.../Tao thấy tư duy như mày chắc chắn là loại.../tư tưởng của mày làm tao ghê tởm.../Không thể tin được mày có lối suy nghĩ như vậy...". 

Một cách giải quyết đơn giản là trước mắt cứ ừ đại, không cần đôi co với thể loại này; Sau đó hãy trình bày cái tư tưởng bị cho là "ghê tởm" trong cuộc tranh luận đó với những người bạn khác, để xem suy nghĩ của người khác thế nào. Nếu tất cả mọi người trong vòng quan hệ của bản thân đều thấy ghê tởm thì nên xem xét lại, nếu không thì từ đó tự chắt lọc đúng sai.

Lũ này thì ít hơn lũ ở trên, nhưng mà đáng sợ, vì nó sẽ làm bạn không chỉ trong lúc tranh cãi, mà cả sau đó tự nãy sinh một cảm giác tự ti, mặc cảm. Nếu không có cái chánh kiến, tự biết đúng sai, tự nhận thức bản thân, tự thấu hiểu kẻ đối diện, e rằng cái sai của bạn không phải là nhận sai trước chúng nó, mà sai khi tham gia cuộc tranh luận vô bổ đó.

THÁNH NGUỴ BIỆN

Bọn này thì cũng đông, đa phần kiểu tri thức có kinh nghiệm cãi vả trước đó. Những lỗi nguỵ biện thì có thể dễ tìm thấy trên mạng, bạn có thể tham khảo ở trang Vietcetera nếu không tìm được bài nào đầy đủ. Xử lý bọn này thì đơn giản, vì cứ thấy chúng nó mắc lỗi nguỵ biện nào đã được trình bày trong các cuốn sách về tranh luận, thì cứ theo đó mà xử lý, hoặc thấy tụi nó chai lỳ về sự nguỵ biện thì cũng cứ đứng lên và đi ngủ.

NGƯỜI DẪN NGUỒN

Nếu một đứa đương thao thao bất tuyệt về cái lý của mình, mà sau đó khi hỏi ra dựa vào cái gì? Nếu bọn nó dẫn mấy cái nguồn trang báo, sách...mà bạn cảm giác hoăc biết được đó là những tin tức một chiều (thiên về cánh tả, hoặc cánh hữu), thì thôi cũng nhanh đứng lên và đi ... ngủ. Giống như một Đảng viên ưu tú đang cố bảo vệ Đảng bằng lập luận của mình trước một người dân yêu nước ở...nước ngoài. 

Vì đó là lúc bạn biết rằng, bạn đang tranh luận với một đứa bảo thủ, vì các nguồn thông tin nó đọc chỉ là có lợi phục vụ cho cái ý định nó muốn khẳng định. Nếu đã như vậy cuộc tranh luận này sẽ chỉ giúp bạn bước lùi một bước so với trí thông minh của đứa đối diện. 

Nên lưu ý thêm, một đứa dù đã trải qua một chuyện gì đó và tuyên bố tự tin rằng: "Tôi đã từng trãi qua rồi/ đã từng làm điều đó rồi.../đã từng sống ở đó rồi...nên tôi biết chắc.../ Ta có đứa bạn đã từng như vậy rồi nên chắc chắn..."; Thì bạn cũng chớ vội tin lấy tin để vì rằng cũng cùng một câu chuyện nhưng những người có tư duy khác nhau ở những thời điểm khác nhau sẽ thấy khác nhau. 

Hiển nhiên, một người thì chẳng đại diện cho số đông và ngược lại...Nên dù có thiếu trải nghiệm, ít hiểu biết hơn người đối diện, cũng không lấy đó làm điểm yếu mà phải vội hùa theo.

Như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln từng nói: “Muốn đạt được thành tựu, người ta sẽ không lãng phí thời gian để tranh chấp riêng tư. Thay vì cố gắng giải thích, tranh cãi một vấn đề gì đó, đánh mất sự bình tĩnh, tự chủ, dẫn tới những hậu quả không mong muốn, chi bằng để mặc cái nhìn của người không liên quan”

PHÒNG BỆNH

Thì lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh, dù bạn có khôn khéo để đi hết cuộc tranh luận một cách mượt mà, thì sau đó ít nhiều cũng sẽ có vụn vặt những vết nứt giữa những người tranh luận, giữa những cái sự rất chi tự nhiên mà ta cho rằng lúc đầu chỉ là tâm sự bạn bè...

Bạn có thể nhận biết những cuộc tranh luận vô bổ chẳng đi đến đâu để tránh né nó thay vì cứ mất thời gian gân cỗ lên trình bày. Khi gặp một người đương thao thao bất tuyệt về một thứ mà người ta tin tuyệt đối, những dạng này hãy mau kiếm chuyện vui mà kể nhau nghe, chứ nhất định không nên ngồi tranh cãi, đó có thể là một người đương phản đối một kẻ chính trị gia có vẻ như là độc tài, một người đương bảo vệ thần tượng của lòng mình, một người yêu nước cách tân, một kẻ ngoan đạo với lòng tin mãnh liệt...

Khi gặp những thành phần như vậy, tôi thường kể mấy chuyện tếu cho vui, cho xong buổi cà phê hay cho qua mau một cuộc ăn nhậu. Còn về việc để giành thời gian tâm sự, hay trao dồi cái hay ho ở đời cho nhau tôi chỉ mở lời với những người đủ duyên. Cái duyên kia ý chỉ vào đúng một khoảnh khắc đấy, ngay tại lúc ấy và ở nơi đó, khi những yếu tố bên ngoài hoà hợp, người nghe và người nói tự sẽ thấy nhiều cái giá trị sống nhận được sau cuộc tri âm, hơn là những sự hơn thua ở cuộc tranh dành lý lẻ đời thường.

Đó có thể là lần tôi cùng đứa chung nhà ngồi thảnh thơi ở công viên, hai đứa mỗi tay cầm một ly cà phê nước lã, nói nhau nghe như thế nào mới là sống vui vẻ ở xứ lá phong này; Hoặc cũng có thể là khi tôi cùng đứa bạn xách giỏ đi chợ, hai thằng cùng tranh luận thế nào mới là sự nghiệp thành công, hay đâu đó cũng là những lần cắt rau cũ, khi mà những người đàn ông trong bếp bắt đầu mở lời về cuộc sống bộn bề hiện tại để hiểu ra nên có gia đình sớm hay trễ....

Tranh luận có thể hay và vui, cho đến khi có kẻ đúng người sai. 

Và riêng tôi, khi những cuộc tranh luận vô bổ nãy sinh, dù có đến bất ngờ hay có chuẩn bị từ trước, đa phần tôi đều không để tâm (lúc đầu thì có mà sau này nhận ra bản chất của mấy cuộc cãi cọ, tôi đã dần bỏ qua cái hơn thua ở đời). 

CHỌC CHÓ!

Lúc nhỏ, mỗi khi thấy con chó hay sủa được chốt trong nhà hàng xóm, tôi hay chọc để nó sủa thật to hơn. Nếu mà gặp con chó hiền lành hay thích chạy đến bên con người, thì tôi chẳng buồn chọc làm chi, chỉ thích chọc mấy con chó hung dữ hay sủa oang oảng, làm phiền những lúc ngủ trưa. 

Thói quen ấy cứ theo tôi đến bây giờ, trong những lần tranh luận, mỗi khi gặp vài đứa thuộc thể loại thích áp đặt tư tưởng trong cuộc tranh cãi, với lề thói cay cú thích ăn thua với người khác, tôi thường nãy sinh cái sợ thích thuở thiếu thời ấy là chọc chó. 

Một cách bình thãn, tôi không gào lên cãi lại như hồi trẻ trâu, chỉ là đơn giản cứ ầm ừ, cứ nhận vơ hết những thứ xấu xa mà chúng nó gán ghép cho tôi, những cái tội lỗi, những cái bôi nhọ để bẻ cong suy nghĩ của tôi thay vì đưa ra những dẫn chứng thuyết phục. Chưa đủ hả hê, tôi còn nhận thêm, tô vẻ thật kinh khủng những thứ chúng nó cho là xấu xa, để rồi trong sự mệt mỏi lao tâm của chúng nó khi đã đặt điều đủ thứ tệ nạn cho tôi, tôi chỉ mỉm cười thừa nhận xong rồi đứng lên, tránh đi chỗ khác, chẳng bận tâm điều chi.

Vì rằng hữu xạ tự nhiên hương, bạn tốt hay bạn xấu, tự cuộc đời sẽ đem đến cho bạn những người tốt xấu thích hợp, nên là chẳng cần phải hơn thua để thuyết phục người này người kia, vì suy cho đến tận cùng, những người không cùng suy nghĩ khó đi chung con đường dài, bạn bè, hay người thân yêu đều là như vậy (Có thể sẽ không đúng với người sinh ra mình). 

Thường thì sau mỗi cuộc tranh luận, tôi chẳng cầu đúng sai, chỉ cầu hiểu bản thân hơn, và hiểu những đứa trong cuộc tranh luận đó là kiểu người như thế nào để biết cách mà chơi cùng.

Tôi đã tự thì thầm trong đầu như vậy, và viết ra đôi dòng này sau khi tranh luận với mấy đứa chung nhà về chủ đề:"Elon Musk và Donald Trump có phải là người thông minh?" Theo lẽ thường, tôi lại bị gán ghép cho cái bệnh cuồn Trump hay tư tưởng lệch lạc vì đã lỡ cho rằng Trump cũng thông minh. Ghê hơn nữa, một đứa trong đám còn quả quyết là tôi sẽ khó sống nếu tồn tại ở Mỹ với cái tư tưởng này; Nhưng mấy đứa đó nào có hay hè vừa rồi tôi đi Mỹ chơi thấy vui vcl. 

Như thường lệ, khi đã phát hiện ra những dấu hiệu trên, tôi chỉ ừ đại hùa theo, cười trừ chiếu lệ một cái cho tình cảm, mạnh dạn thừa nhận bạn rất đúng, rồi đi ... ngủ. Sáng sớm hôm sau lại một ngày bắt đầu với bao thứ phải làm, đúng sai của tranh cãi hôm trước chẳng làm no thêm cái bụng hôm nay!

NDGBAO 27/06/2023

Vậy là sao để tự biết bản thân là đúng sai, vì cũng đôi lúc, đứa tranh luận với mình cũng có điều đúng đắn có ích cho chúng ta học hỏi, mà không thể chỉ vị cái tôi quá lớn lại đi gạt bỏ những điều bổ ích ấy? Tôi e, để hiểu được cái ấy, để tự giác ngộ được cái ta và cái đúng sai, đó chắc chắn là một con đường dài vừa quan sát và tự nghiền ngẫm. 

Tất nhiên trên con đường vô tận ấy, không thể thiếu một chút may mắn để sớm có được chánh kiến mà ít phải trả những cái giá đắt. Và tôi chúc các bạn có được những may mắn đó.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MUỐN LÀM VIỆC VÀ HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN TẠI CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ Ở ĐÀ NẴNG MÀ TÌM HOÀI KHÔNG THẤY??

Hưởng ứng bài chia sẻ khá chi tiết của anh Hậu về các tổ chức phi chính phủ tại group DanangYouthHub (Các bạn có thể tìm đọc lại tại link sau: http://bit.ly/2AQmmyZ), trong blog này mình xin gửi một ít thông tin về các tổ chức phi chính phủ các bạn có thể tham gia tại Đà Nẵng. Thời còn làm tnv tại PNV, thấm thoát cái cũng gắn bó hơn 2 năm. Thú thật phần lớn các công việc, vị trí cần tuyển dụng được các NGO đưa lên mạng, khi đọc được chưa kịp hứng thú với các mô tả hấp dẫn về vị trí tuyển dụng, ngay lập tức đã phải hết hồn vì nhìn xuống location thì…. toàn vùng xa hoặc ở các thành phố khác (tập trung ở Hà Nội và Sài Gòn là nhiều). Thực sự vừa mới ra trường mà muốn xin việc vào các khu vực này lại một vấn đề nan giải nữa – KINH NGHIỆM :3 , không phải kinh nghiệm 1 năm mà là 2 – 3 năm. Thôi thì ngưng than thở và nhanh chóng tự vun vén, vớt vát chút kinh nghiệm công việc ngay từ khi còn trên giảng đường, hoặc chộp ngay thời cơ làm tình nguyện viên cho các tổ chức phi chính phủ luôn kh

Ba năm sau ra trường - Tâm sự Zalo (P Cuối)

Mùa hè ở Toronto vào tháng 6 thời tiết khá kỳ quái, hôm se lạnh như đầu thu, lúc thì mưa xối xả như mới vào xuân, cái tiết trời khó chịu này nếu không làm cho con người ta dễ đổ bệnh thì cũng phải đến nỗi suy tư trầm cảm.  Thế là như một thói quen, với phương thức chữa lành tâm hồn đã thuộc lòng từ lâu, tôi vội đem cái loa, một ly đá, và lon nước mía ra ngoài ban công nhà. Trong tiếng nhạc rock ballad, làm ly nước mía đóng lon, nhìn xa xăm cây cỏ xanh mướt ngoài xa, đôi tay lần mò đọc lại những đoạn status ở zalo. Nếu như khoảnh khắc vừa trên tôi đây đã xem chừng là bình yên, thì tôi của thời gian vừa ra trường lúc trước nếu nghe thấy chắc chỉ cười khẩy, rồi cho đấy chỉ là hành động tự kỷ. 14/11/2018 Những lời ngại chưa muốn nói cũng đã phải đành nói, chút ngượng ngùng bấy lâu cũng đã tan biến trước sự nhiệt tình siêu dễ thương của anh chị bên tổ chức, vì rằng trước đó đã nghe được lời khuyên cứ gõ, cửa sẻ mở, nên mình đánh liều làm thiệt và sau đó mở lời xin xỏ thì được ngay điều mong

LÃNG QUÊN!

"Những điều không cần nhớ thì chớ phải lưu tâm!". Là chính tôi đã tự dặn lòng sống theo kiểu như vậy cho đời thêm thanh thãn, bớt âu lo. Khí hậu ở Toronto dù được cho là có đủ bốn mùa, xuân hạ thu đông; nhưng đối với tôi, đa phần là những khoản thời gian lạnh lẽo, như cái mùa hè đẹp đẽ năm nay, chưa kịp lên kế hoạch đi picnic ngắm hoa thì đã vội vào cuối hè. Mà đã gần sang thu đâu, tiết trời lại nhanh lùa về những cơn gió lạnh, rãi chút mưa mây cuối chiều làm cho dư vị mùa hè vừa qua chỉ còn là những ký ức mờ nhạt. Còn gì sung sướng hơn khi đương lạc lõng giữa cái nơi đất khách, trong một chiều mưa lạnh cuối hè, chạy ngay vào tiệm Việt, gọi một tô phở nóng hổi. Đi ăn ở cái xứ này, không cần phải thật ngon cho cam, chỉ cần tiện đường, vì hơn bao giờ hết, những kẻ tha phương mới hiểu được câu thời gian là vàng bạc. Nghe quảng cáo trên mạng thấy bảo có tiệm phở mở khuya, lại gần chỗ mình hay cà phơ, thì tôi tức tốc ghé ngay, lại đúng lúc những cơn mưa mới rơi tí tách, thế là nhi