Chuyển đến nội dung chính

CÔNG VIỆC THỨ 3 - Nhà máy in bì thư P2

Ở đâu quen đó, phép vua còn thua lệ làng, huống gì Anh đây, chỉ là lính mới chẳng đáng làm cho người ta phải thèm buồn bận tâm, ấy vậy mà, đôi lúc mảnh đời và hoàn cảnh va vào nhau lại khiến thời gian như dừng lại, đặng để người xung quanh phải khựng lại chú ý.
Chụp ở Nhà máy giấy, phòng làm việc của mấy anh công xưởng

Cứ chiếu theo lề thói cũ, sáng kim giờ điểm chỉ số 8 là anh bắt đầu thong dong đi làm, đường đi khá xa, nên lúc đến nơi cũng gần độ 9h, mà có sao, 9h vẫn còn là sáng sớm so với bác Giám đốc gần về hưu và chú Còng đang ráng nốt nhiệm kỳ cuối. Tầm 11h10 là Anh bắt đầu nhổm đít dậy, và về, ăn cơm, nghĩ trưa cho thật kỹ, sau khi ngủ 1 giấc đầy, anh lại phóng xe đến chỗ làm, vừa đúng 14h10 là Anh bước vào, kịp lúc được gặp anh Trưởng phòng, vốn là cháu bác Giám đốc, theo ngay sau đó là anh trai Phó phòng kinh doanh kiêm quản lý xưởng, và khi cần anh trai này cũng có thể làm luôn công việc của một anh công nhân nhà máy giấy chân chính.

Từ phần một đến giờ, chỉ toàn thấy anh thấy bác và chú, xin thưa chế độ chủ nghĩa xã hội nếu thiếu đi giai cấp phụ nữ thì thật như cơm lạt thiếu mắm nêm, vì rằng không có họ thì những ngày lễ cho phụ nữ, cả công đoàn biết tôn vinh ai, và lấy cớ chi để làm tiệc ăn nhậu, cho quên cái cảnh đời làm việc chán chường này. Biên chế cho cả bộ sậu nhà máy in còn có thêm 2 chị khu vực phòng kế toán, một chị thật già và một chị cũng gần già, chị thật già thì hoạ chăng hay chớ mới thấy mặt, thường là mỗi lần lãnh lương, còn chị gần già thì cũng lâu lâu mới gặp, tần xuất xuất hiện có nhiều hơn chút, là người mà Anh gặp mỗi 2 lần 1 tháng, lãnh lương đầu tháng này, và lãnh nốt lương tháng trước.

Cuộc đời vốn là chuỗi những sự kiện bất chợt đan xen, mà người ta chẳng phải có câu "Đố ai học được chữ ngờ" đó sao. Và sau tháng đầu tiên chậm rãi trôi qua, thời gian trôi nhanh hay chậm ắt ở cảm giác người cảm nhận.
Nếu có ước muốn cho thời gian ngừng lại, xin hãy thử một lần ghé qua đây để thấy thời gian trôi chậm như thế nào, nơi có những con người chầm chậm trong một môi trường chậm tiến. 
Dù nghèo khổ hay giàu sang, không phân biệt đẳng cấp, ngành nghề thì mỗi lần có lương, lẻ thường tình phải nhậu, nhậu cho quên cái tháng trước đã mệt mõi thế nào, nhậu cho bớt nghĩ về cái lương còm cõi phải nhận tháng này, và nhậu chỉ đơn giản là lẻ thường tình thế thôi.

Trong cuộc nhậu, chú Còng đã dần tiết lộ cho Anh về mức lương ở đây với câu nói kết đầy ẩn ý cùng nụ cười khả ái "Cứ tới lúc nhận rồi thấy". Lương anh ở công ty Nhật đã là 7 số lúc mới ra trường, ấy mà ngày Anh gặp chị kế toán gần già để nhận lương lần thứ nhất (có 2 đợt nhận), chẳng phong bì gì cho chanh sả (dù là nhà máy in bì thư), cứ một tờ giấy vở xé mảnh (chắc cho tiết kiệm) kẹp đống tiền lẻ đã phai quá màu thời gian, trên tờ giấy bọc đó có ghi vội vài nét chữ "Bảo, 800.000 lương đợt một". Ôi ôi cuộc đời, sóng xô vùi dập cũng chẳng dập mặt như ngày hôm đó, Anh đã ngã ngữa hoặc cảm giác như ngã ngựa khi nhận được chẳng phải tiền, mà là cái sự thật trần trụi và phũ phàng, của cái cảm giác canh cánh lo âu mà Anh phải gậm nhấm suốt thời gian làm việc. À mà cũng phải thôi, cứ nhìn lại cái cách Anh đi làm, thì cũng là điều dễ hiểu, cơ mà nếu Anh đi làm đúng giờ, về đúng giờ, làm nhiều hơn thì liệu có khá hơn chăng, rõ ràng không!

Ngày thường chẳng ai buồn để ý đến Anh, vì rằng cả phòng này chỉ có mỗi anh và chú Còng, chú thì cứ lên văn phòng đọc tin tức thời sự cho hết giờ, còn mấy người kia chẳng mấy khi gặp mặt. Lướt qua phòng bác Giám đốc thì 3 lần cũng đến độ 2 lần khoá cửa im ỉm, ôi cứ tưởng là được làm chuyên viên kinh doanh, một công việc năng động đáng mơ ước thì lại không. Tết đến, Anh được phân công thêm công việc xếp bì thư, vì nhân lực không đủ, mà thực ra là không ma nào thèm làm, cứ thử nghĩ đến người cùng khổ họ còn chẳng muốn vô đây, thì thỉnh thoảng chợt tự hỏi chính mình sao Anh lại còn ngồi đây không biết??

"Thế sao lại vô đây?" - Chị kế toán gần già tỏ vẻ thắc mắc.
"Có bạn giới thiệu... con vào!" Anh ngập ngừng, đúng là có bạn giới thiệu thật, nhưng ý định chính vẫn là của Anh cơ mà, nhưng mà nào có dám show cái mong ước trước khi vào làm đâu, vì nói ra ở giữa cái cõi tạm nhà máy giấy này, không khéo người ta tưởng Anh ở cõi trời xuống, nên thôi đành bấm bụng nói vài câu cho qua.

"Ở đây có mỗi mình mi tốt nghiệp chính quy công lập đó, chứ còn lại cao lắm là bằng tại chức" Chị kế toán gần già giải thích thêm "Thằng trưởng phòng cũng bằng đại học tư, cháu ổng nên xin vô làm". Chị kế toán cứ mãi nói và tay luân phiên lấy bì thư, gấp và đóng thành từng chồng, nhanh tay xếp vào thùng, cả Nhà máy ngoại trừ anh Trưởng phòng, bác Giám đốc và chị kế toán Rất già ra, ai cũng phải làm thêm ca xếp bì thư.

Giật mình nhẹ, anh cũng ráng cười nhẹ, vì rằng mọi cú sốc từ lúc vào làm đến giờ đã làm tinh thần anh thêm kiên định mà khỏi phải bất ngờ về mọi thứ ở đây thêm nữa, có điều Anh tò mò muốn tìm hiểu sâu hơn, lý nào nhà máy giấy lại thành ra nông nỗi này. Mà nhờ cái tính tò mò lắm điều này, Anh dã có thêm cho mình nhiều ý tưởng cho cái blog ma chê quỷ hờn, cho những câu chuyện tếu của Anh nói với chúng bạn trong những cuộc vui nhưng ẩn chứa nhiều đau buồn nhè nhẹ trong đó...

NDGBAO 24/3/2019
Trong một chiều mưa phùn lạnh nhẹ, thấy bạn 95 đó lên cả MarCom manager còn mình vẫn lẹt đẹt executive, làm dâu trăm họ, ai cũng là sếp, bị sài sể và méo học được gì hay ho,  đang viết bài này thì chợt nghĩ nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống cũng chẳng ai như mình 
Phần 1
Phần cuối

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MUỐN LÀM VIỆC VÀ HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN TẠI CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ Ở ĐÀ NẴNG MÀ TÌM HOÀI KHÔNG THẤY??

Hưởng ứng bài chia sẻ khá chi tiết của anh Hậu về các tổ chức phi chính phủ tại group DanangYouthHub (Các bạn có thể tìm đọc lại tại link sau: http://bit.ly/2AQmmyZ), trong blog này mình xin gửi một ít thông tin về các tổ chức phi chính phủ các bạn có thể tham gia tại Đà Nẵng. Thời còn làm tnv tại PNV, thấm thoát cái cũng gắn bó hơn 2 năm. Thú thật phần lớn các công việc, vị trí cần tuyển dụng được các NGO đưa lên mạng, khi đọc được chưa kịp hứng thú với các mô tả hấp dẫn về vị trí tuyển dụng, ngay lập tức đã phải hết hồn vì nhìn xuống location thì…. toàn vùng xa hoặc ở các thành phố khác (tập trung ở Hà Nội và Sài Gòn là nhiều). Thực sự vừa mới ra trường mà muốn xin việc vào các khu vực này lại một vấn đề nan giải nữa – KINH NGHIỆM :3 , không phải kinh nghiệm 1 năm mà là 2 – 3 năm. Thôi thì ngưng than thở và nhanh chóng tự vun vén, vớt vát chút kinh nghiệm công việc ngay từ khi còn trên giảng đường, hoặc chộp ngay thời cơ làm tình nguyện viên cho các tổ chức phi chính phủ luôn kh

Ba năm sau ra trường - Tâm sự Zalo (P Cuối)

Mùa hè ở Toronto vào tháng 6 thời tiết khá kỳ quái, hôm se lạnh như đầu thu, lúc thì mưa xối xả như mới vào xuân, cái tiết trời khó chịu này nếu không làm cho con người ta dễ đổ bệnh thì cũng phải đến nỗi suy tư trầm cảm.  Thế là như một thói quen, với phương thức chữa lành tâm hồn đã thuộc lòng từ lâu, tôi vội đem cái loa, một ly đá, và lon nước mía ra ngoài ban công nhà. Trong tiếng nhạc rock ballad, làm ly nước mía đóng lon, nhìn xa xăm cây cỏ xanh mướt ngoài xa, đôi tay lần mò đọc lại những đoạn status ở zalo. Nếu như khoảnh khắc vừa trên tôi đây đã xem chừng là bình yên, thì tôi của thời gian vừa ra trường lúc trước nếu nghe thấy chắc chỉ cười khẩy, rồi cho đấy chỉ là hành động tự kỷ. 14/11/2018 Những lời ngại chưa muốn nói cũng đã phải đành nói, chút ngượng ngùng bấy lâu cũng đã tan biến trước sự nhiệt tình siêu dễ thương của anh chị bên tổ chức, vì rằng trước đó đã nghe được lời khuyên cứ gõ, cửa sẻ mở, nên mình đánh liều làm thiệt và sau đó mở lời xin xỏ thì được ngay điều mong

LÃNG QUÊN!

"Những điều không cần nhớ thì chớ phải lưu tâm!". Là chính tôi đã tự dặn lòng sống theo kiểu như vậy cho đời thêm thanh thãn, bớt âu lo. Khí hậu ở Toronto dù được cho là có đủ bốn mùa, xuân hạ thu đông; nhưng đối với tôi, đa phần là những khoản thời gian lạnh lẽo, như cái mùa hè đẹp đẽ năm nay, chưa kịp lên kế hoạch đi picnic ngắm hoa thì đã vội vào cuối hè. Mà đã gần sang thu đâu, tiết trời lại nhanh lùa về những cơn gió lạnh, rãi chút mưa mây cuối chiều làm cho dư vị mùa hè vừa qua chỉ còn là những ký ức mờ nhạt. Còn gì sung sướng hơn khi đương lạc lõng giữa cái nơi đất khách, trong một chiều mưa lạnh cuối hè, chạy ngay vào tiệm Việt, gọi một tô phở nóng hổi. Đi ăn ở cái xứ này, không cần phải thật ngon cho cam, chỉ cần tiện đường, vì hơn bao giờ hết, những kẻ tha phương mới hiểu được câu thời gian là vàng bạc. Nghe quảng cáo trên mạng thấy bảo có tiệm phở mở khuya, lại gần chỗ mình hay cà phơ, thì tôi tức tốc ghé ngay, lại đúng lúc những cơn mưa mới rơi tí tách, thế là nhi